Lạm phát leo thang và nguy cơ suy thoái kinh tế
Liệu FED có cùng lúc khả năng kiểm soát lạm phát và ngăn chặn suy thoái kinh tế?
Lạm phát và nguy cơ về một đợt suy thoái kinh tế mới đang là chủ đề nóng hổi từ hôm qua, khi chỉ số CPI được công bố với mức tăng bất ngờ lên đến 8.6%. Những tác nhân nào dẫn đến việc mất kiểm soát của tình hình lạm phát hiện nay? Điều gì có thể đang chờ đợi nền kinh tế sau chính sách tiền tệ thắt chặt của FED? Tuần này, Viet Hustler sẽ phân tích về toàn cảnh lạm phát hiện nay, những nguyên nhân gây ra sự leo thang của chỉ số CPI và hậu quả tiềm tàng của lạm phát đối với nền kinh tế.
Toàn cảnh tình hình lạm phát hiện nay
Lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua
CPI tổng hợp đã tăng lên 8.6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với con số dự kiến 8.3% trước đó. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ khi kết thúc đợt Đại Lạm Phát 1965-1982 (The Great Inflation).
Chỉ số CPI Cốt Lõi (đường biểu đồ màu cam) có dấu hiệu tăng chậm lại ở mức 6%, thấp hơn mức 6.2% so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn so với dự báo là 5.9%.
Chỉ số CPI Cốt Lõi không bao gồm 2 mặt hàng có giá cả biến động nhất là Thực Phẩm và Năng lượng
Tăng trưởng của lạm phát cao hơn nhiều so với dự kiến
CPI tăng lên 1% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với mức dự kiến 0.7% và mức 0.3% vào hồi tháng 4
Mức tăng CPI theo từng tháng cao nhất trong 5 tháng đầu năm 2022 là 1.2% (tháng 3), trong khi mức tăng cao điểm cùng kỳ năm 2021 và 2020 lần lượt là 0.9% và 0.5%.
Giá nhiên liệu, thực phẩm, vận chuyển và nhà ở
Giá dầu nhiên liệu tăng ở mức kỷ lục +106.7% so với cùng kỳ năm ngoái và +16% so với hồi tháng 4
Giá dầu Diesel đang ở mức cao kỷ lục: $5.70 /gallon
Giá xăng tăng lên + 48.7% so với cùng kỳ năm ngoái và + 4.1% so với hồi tháng 4
Giá vé máy bay tăng +37.8% so với cùng kỳ năm ngoái và 12.6% so với hồi tháng 4 bởi giá nhiên liệu leo thang.
Giá vé máy bay là một trong số những nhân tố chính giữ chỉ số CPI cốt lõi ở mức cao.
Các sản phẩm thịt, cá và trứng có mức tăng giá cả cao nhất trong các ngành thực phẩm
Tuy chi phí chi trả cho nhà ở (shelter) chỉ tăng 5.4% so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí này lại chiếm mức tỷ trọng cao nhất trong tổng chi của người tiêu dùng.
Theo khảo sát chi tiêu của người dân năm 2020, chi phí dành cho nhà ở chiếm từ 32% đến 40% trong tổng chi phí hàng năm của người tiêu dùng.