The Logistics of Amazon: Đằng sau hệ thống bán lẻ trực tuyến nghìn tỷ đô
Mô hình kinh doanh đằng sau nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới
Amazon tăng mạnh 14% từ báo cáo tài chính tuần vừa qua, mặc cho mảng thương mại điện tử (tăng trưởng âm trong 3 quý gần nhất) và bán lẻ liên tục bị ảnh hưởng tiêu cực từ cạnh tranh và nhiều yếu tố khách quan khác. Tuy vậy, nhờ vào hệ thống quản lý chuỗi cung ứng của Amazon, mảng bán lẻ ở Bắc Mỹ vẫn đạt doanh thu $74.43 tỷ đô, cao hơn mức $70.45 tỷ dự báo, tạo ra tâm lí khả quan cho nhà đầu tư.
Trong bài bài viết tuần này Viet Hustler sẽ phân tích mô hình kinh doanh đã làm nên tên tuổi cho nền tảng thương mại điện tử quy mô bậc nhất này, nhất là hệ thống vận chuyển hàng hoá phức tạp nhưng mang lại hiệu quả vô cùng lớn.
NHỮNG CON SỐ “BIẾT NÓI”
Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, đến nay Amazon đã trở thành:
Nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới
Công ty internet lớn thứ 2 thế giới tính theo doanh thu (theo Fortune, 2022)
Công ty đáng đến làm việc nhất (theo LinkedIn, 2022)
Là thương hiệu giá trị đứng thứ hai thế giới với 210,191 triệu USD (theo Interbrand, 2022)
(Nguồn: Christina Animashaun/Vox)
Thành công của Amazon nằm ở mô hình kinh doanh vô cùng sáng tạo, nhất là hệ thống vận chuyển và phân phối sản phẩm đột phá, là tiên phong cho những cải tiến trong quản lý chuỗi cung ứng toàn thế giới sau này.
MÔ HÌNH KINH DOANH CỦA AMAZON
Nguồn cung - 2 nguồn chính:
- Từ Amazon:
Amazon Prime Video, Amazon Music, Audible: phân phối, cung cấp video âm nhạc bản quyền, có thể tải xuống và phát trực tuyến video, audible cũng như các bài nhạc từ khắp nơi trên thế giới
Amazon Publishing: xuất bản sách và sách điện tử Kindle
Amazon Studios: sản xuất và phát triển phim/chương trình truyền hình
Amazon Web Services: cung cấp nền tảng về điện toán đám mây (cloud computing)
Sản xuất hàng điện tử tiêu dùng như máy tính bảng Fire, Fire TV, các thiết bị Echo & Alexa
- Từ vendors và sellers:
Vendors: trực tiếp nhập hàng từ nhà phân phối và bán lại cho khách hàng (bán với giá lẻ để sinh lãi) hoặc cũng có thể tự sản xuất ra sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình để bán cho người tiêu dùng (tự định giá bán là giá sỉ hay giá lẻ bởi không nhập hàng qua trung gian).
Sellers: chỉ chuyên nhập sản phẩm và bán lại cho người tiêu dùng nên hầu hết các sản phẩm đều được bán với giá lẻ.
Thông qua nền tảng điện tử của Amazon, vendors và sellers có thể bán các mặt hàng của họ một cách tiện lợi và dễ dàng. Lúc này, Amazon sẽ nhận phí đăng ký bán hoặc phí quảng cáo khi vendors/sellers muốn đẩy mạnh thương hiệu trên trang tìm kiếm.
Đổi lại, với mức độ phát triển lớn mạnh như hiện tại - hàng nghìn suppliers, Amazon hoàn toàn có một lượng dữ liệu đủ lớn để cung cấp cho các suppliers số liệu về tình hình kinh doanh chung của chính họ (insights) và tham khảo đối thủ trên nền tảng (như giá cả, số lượt review, số lượt mua,...) từ đó giúp họ đưa ra những chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.